GỢI Ý CÁC ĐỊA ĐIỂM KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐI DU LỊCH ĐẾN ĐIỆN BIÊN

ĐI KHẮP THẾ GIAN NHƯNG CŨNG KHÔNG THỂ QUÊN KHI ĐẾN ĐIỆN BIÊN MỘT LẦN.
  • Những tác động của dịch bệnh Covid-19, cùng sự bất ổn về kinh tế, tài chính và giá nhiên liệu tăng cao là các yếu tố khiến chuyến du lịch nước ngoài trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Do đó, nhiều du khách Việt sẽ có xu hướng chọn các điểm đến trong nước như một cách hiệu quả để thỏa mãn nhu cầu du lịch.
  • Đến với miền núi phía Bắc, bạn sẽ có cơ hội khám phá và tham qua những cảnh đẹp thiên nhiên vừa mộc mạc đơn sơ vừa hùng vĩ tráng lệ. Tuy nhiên, không chỉ có phong cảnh đẹp, miền núi phía Bắc còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với văn hóa độc đáo và đặc trưng riêng. Văn hóa các dân tộc ở miền núi phía Bắc có những nét đặc trưng như văn hóa ẩm thực đa dạng, nghệ thuật dệt vải tay điêu luyện, các màn múa xoè tuyệt đẹp, và sự gắn kết với thiên nhiên và đời sống bản làng mộc mạc, đầy ắp tình người.
  • Là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc giáp với đường biên giới Lào và Trung Quốc. Với địa hình đồi núi hiểm trở tạo nên những thung lũng, những con dốc quanh co xen lẫn thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp; nền khí hậu tương đối trong lành và dễ chịu đã mang đến cho Điện Biên những nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất xa xôi miền biên viễn này. Đừng bỏ lỡ cơ hội rất tuyệt vời nhất khi đến du lịch mảnh đất lịch sử, văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn này bạn nhé!
 
GIỚI THIỆU SƠ QUA VỀ ĐIỆN BIÊN:
Điện Biên là một tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Nhắc đến Điện Biên, người ta thường nhớ về một mảnh đất oai hùng với những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm với chiến công vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngoài ra, nói đến Điện Biên là người ta mường tượng một vùng đất xa xôi, trù phú với những đồi núi trập trùng, những con sông, dòng suối chảy xen kẽ các thung lũng đổ về những cánh đồng lúa bát ngát điểm màu vàng rực về phía chân trời. Đến với Điện Biên, du khách còn có dịp được giao lưu văn hóa bản địa với những tiết mục “cây nhà lá vườn” truyền thống, thưởng thực văn hóa ẩm thực địa phương. Đây là một trong những ấn tượng lớn nhất để lại trong lòng du khách những kỷ niệm đẹp khi nhớ về Điện Biên.
Đến với mảnh đất miền biên viễn này, các bạn đừng bỏ lỡ những địa điểm du lịch ở Điện Biên rất đáng ghé thăm dưới đây nhé!

 
  • Địa danh quần thể di tích lịch sử chống Pháp
Quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được quy tụ thành một cụm di tích liên hoàn bao gồm các hạng mục như đồi Him Lam, nơi xảy ra trận đánh mở màn chiến dịch; đồi A1 nơi xảy ra trận đánh hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất; cầu Mường Thanh, nơi quân ta vượt qua để tiến công vào sào huyệt cuối cùng của giặc Pháp;
Hầm chỉ huy De Castries; cầu gỗ lịch sử Mường Thanh, đồi D1 nơi đặt Tượng đài chiến thắng, đồi Độc Lập cứ điểm phía Bắc; nghĩa trang liệt sĩ A1; nghĩa trang độc lập, nghĩa trang liệt sĩ Him Lam.
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Khu sở chỉ huy chiến dịch tại cánh rừng già Mường Phăng và đài quan sát chỉ huy diễn biến chiến dịch nằm trên đỉnh núi cao 1700 mét so với mực nước biển.
  • Thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ
Hồ Pá Khoang: Nằm ở độ cao gần 916 m so với mực nước biển, có diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, hồ Pá Khoang được ví như một “Vịnh Hạ Long” của Tây Bắc, là viên ngọc bích, điểm nhấn quan trọng trong du lịch sinh thái của tỉnh Điện Biên.
Tham quan hồ Pá Khoang, du khách có thể bơi thuyền độc mộc hay bồng bềnh cùng con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên những gợn sóng lăn tăn. Thuyền sẽ đưa khách len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của các đảo rừng, khám phá biết bao điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên.
Du khách cũng có thể đi bộ xuyên rừng thưởng ngoạn cảnh quan và ghé thăm làng dân tộc Thái hay Khơ Mú còn rất nguyên sơ, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống và nghỉ dưỡng nơi những nếp nhà sàn xinh xắn soi bóng mặt hồ… Người dân các bản làng nơi đây rất thân thiện và mến khách, du khách sẽ được mời tham dự những buổi liên hoan giao lưu văn nghệ, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực của người bản địa với món xôi đồ đựng trong coóng hay những khoanh cơm lam ngọt ngào mùi lúa nương, các xiên cá nướng hay thịt hun khói mang hơi thở của núi rừng được tăng cường bởi những ché rượu cần làm ngả nghiêng.

 
  • Mốc số 0 – Điểm cực tây A Pa Chải
Cột mốc trên cực Tây là cột mốc số 0, đánh dấu điểm giao giữa ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc; ba mặt của cột mốc là quốc huy của ba quốc gia, được dựng lên vào ngày 27 tháng 6 năm 2005.
Vị trí của cực Tây nằm tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Hiện tại, cực Tây được đánh giá là điểm đến vô cùng xa xăm, vất vả nhất trong bốn điểm cực của Việt Nam – nhưng điều đó không bao giờ làm nản chí những đôi chân Việt Nam luôn tiến bước.
Với mình cảnh đẹp thật sự nơi cực Tây chưa chiêm ngưỡng hết bởi thời điểm mình đi là ngay mây và sương mù. Đổi lại đường đi là đến cực Tây là một tuyệt phẩm, nhiều khung trời đẹp khó tả, nắng, núi đồi và cây xanh tạo nên nhiều ánh nhìn thu hút.
Thêm vào khung trời đẹp, là vẻ đẹp của những cung đường, mây ngàn. Trên đoạn đường chinh phục cực Tây bạn không cần phải săn mây mà mây chủ động đến tìm bạn. Cứ rẽ qua một khúc cua mây sẽ thổi đến theo cùng cơn gió.
 
  • Lòng hồ thủy điện Thị xã Mường Lay
Ở thị xã Mường Lay vào mùa hồ Thủy điện Sơn La tích nước. Thị xã nhỏ bé ở nơi tận cùng Tây Bắc lúc này như một bức tranh thủy mặc với những phố nhà sàn nằm yên bình, soi bóng xuống lòng hồ thủy điện.
Lòng hồ thủy điện Sơn La bắt đầu từ thị xã Mường Lay, kéo dài đến xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Du khách tham quan lòng hồ có thể ngắm cảnh thiên nhiên, hang động hay đến tham quan các bản của đồng bào dân tộc dọc theo dòng Đà Giang.
Từ thượng nguồn sông Đà, xuôi về hạ lưu, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là Khu di tích bia Lê Lợi được đặt tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nơi đây vẫn còn bút tích của vị vua khai sinh nhà Lê, năm 1432 sau khi đi dẹp loạn vùng biên viễn Tây Bắc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách núi bài thơ nhằm răn đe những kẻ phản loạn nơi phên dậu Tổ quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt thời bấy giờ. Xuôi theo dòng vài km là điểm dinh thự “vua Thái” Đèo Văn Long, bây giờ toàn bộ khu di tích đã nằm dưới lòng hồ thủy điện, chỉ còn nhấp nhô những thành, vách, nhà cổ.

 
 
 
  • Cao nguyên đá cổ Tả Phìn -  Tủa Chùa
Cao nguyên đá Tủa Chùa thuộc địa phận xã Tả Phìn, cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 35km. Cao nguyên đá này nằm ở độ cao 1400m so với mực nước biển. Cao nguyên đá Tả Chùa dài khoảng 4km với những phiến đá tai mèo đua nhau mọc từ dưới thung lũng lên đỉnh đồi trông như những chiếc măng đá.
Để lên được đây bạn sẽ cần băng qua một cung đường chênh vênh men theo sườn núi. Càng lên cao, bạn sẽ càng bị choáng ngợp bởi khung cảnh núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, những mỏm đá đen chằng chịt nép mình vào vách núi, phủ đầy trên mặt đất và bao bọc cả những nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Mông sinh sống nơi đây.
Bạn sẽ bị ấn tượng bởi cách người dân đồng bào nơi đây thích nghi để sinh sống trên địa hình tưởng chừng như không thể này. Họ tận dụng đổ đất lên các hốc đá để trồng rau, trồng cỏ và các loại cây ăn quả phục vụ cho đời sống. Đến với cao nguyên đá Tủa Chùa, bạn nhất định không thể bỏ qua hang động Thẩm Khến, với những nhũ đá vô số hình thù độc đáo.
 
 
  • Những phong cảnh đẹp mãn nhãn du khách:
Với nền văn hóa đặc sắc và thân thiện, hiền hòa của đồng bào cùng những bản làng lưng chừng núi nên thơ, cung đường khám phá Tây Bắc mùa xuân được xem là cung đường đẹp nhất trên dải đất hình chữ S.
 
Không biết tự bao giờ, mỗi mùa xuân đến, muôn hoa lại bung nở bạt ngàn khắp núi rừng Tây Bắc: Hoa cải vàng nở rộ vào cuối tháng 12; Chào tháng giêng đào mận mỗi thứ một sắc rực rỡ khắp đất trời Tây Bắc, và cũng là lúc cả cung đường huyền thoại đẹp mê mải trong rừng hoa mơ, hoa mận, hoa ban nở trắng trời đất, cùng muôn loài hoa khác đua nhau khoe sắc.
Vào đến tháng 3, hoa gạo nở đỏ rực tha thiết cháy bỏng cả núi rừng, hoa ban lấp lóa sáng trên những triền cao. Mỗi khoảnh khắc một loài hoa, một giai điệu núi rừng vang lên da diết trầm bổng và muôn phần tươi đẹp.
Đến với Điện Biên vào dịp tháng 10 - 12 hàng năm, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, cũng là thời điểm hoa dã quỳ nở rộ thành những vạt dài trên các cung đường. Hoa dã quỳ có vẻ đẹp dân dã, mộc mạc nhưng lại rực rỡ, sắc hoa như màu nắng ấm xua tan đi cái lạnh của mùa đông. Từ xa, nhìn những cây hoa dã quỳ vàng óng ả như màu vàng của nắng trải dài đến tận chân trời làm con người phải choáng ngợp, không khỏi thốt lên những lời khen tặng.
 
Đến thăm miền đất Điện Biên Phủ lịch sử vào thời gian tháng 9, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng, ngất ngây vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, sắc xanh trùng điệp của núi non hòa cùng vẻ trù phú, bát ngát, rực rỡ sắc óng vàng của cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín.
Mùa lúa chín, Mường Thanh như một tấm áo choàng khổng lồ với gam màu vàng rực hút mắt. Bao quanh đồng lúa là những ngọn núi, những vạt rừng xanh rì, tạo nên một khung cảnh hết sức mãn nhãn. Bất kỳ góc nào trên đồng lúa cũng là background đẹp để du khách đứng vào và chụp ảnh.

 
 

 
  • Đỉnh săn mây check in
Điện Biên mùa nào cũng đẹp. Cứ mỗi mùa khung cảnh thiên nhiên ở Điện Biên lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Như mùa xuân, Điện Biên rực rỡ với hoa đào, hoa mận; mùa hạ đẹp dịu dàng với hoa sen… Còn mùa đông tới, khi những bông dã quỳ nở rực rỡ khắp các triền đồi cũng là lúc Điện Biên bước vào mùa “săn mây” đẹp nhất. Với địa hình đồi núi cao, khí hậu lạnh, Điện Biên có rất nhiều điểm xuất hiện biển mây cực đẹp. Có thể kể tới đỉnh đèo Tằng Quái với biển mây phủ kín thung lũng Mường Ảng; đỉnh Chóp Ly, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông với những đám mây, dải mây trắng bồng bềnh trên triền núi…
Khi leo lên đỉnh Chóp Ly, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh núi non bao la kết hợp với trời mây. Với những người đang tìm kiếm cho mình những địa điểm gần gũi với thiên nhiên và muốn rèn luyện sức khỏe, đỉnh Chóp Ly sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời.
 
Đi “săn mây” ở Điện Biên mùa này còn giúp chúng ta cảm nhận rõ được cái lạnh của miền sơn cước Tây Bắc. Hơn nữa, mỗi cuộc “săn mây” là một lần thử thách. Bởi hiện tượng này hoàn toàn tự nhiên, chỉ có thể gặp mà chẳng thể cầu. Thế nên, trước lúc quyết định lên đường “săn mây”, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu về các yếu tố thời tiết và đặc biệt là không thể thiếu một chút may mắn…
  
 
  • Phiên chợ vùng cao Tủa Chùa
Chợ phiên Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là địa chỉ hấp dẫn đối với mỗi người yêu và muốn tìm hiểu văn hóa các dân tộc Điện Biên. Đến với Tủa Chùa ngoài phiên chợ Tả Sìn Thàng (họp vào các ngày Tý và Ngọ); Xá Nhè (họp vào ngày Mão và ngày Dậu) du khách sẽ được trải nghiệm chợ phiên ngay tại thị trấn Tủa Chùa vào mỗi tối thứ 7 và ngày chủ nhật hàng tuần.
Chợ phiên mang nét đẹp văn hóa không thể nào trộn lẫn và cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng thú vị. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam nữ thanh niên. Những bà mẹ, những người vợ đi chợ để mua sắm. Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn... Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu. Hầu hết các mặt hàng nơi đây đều là “cây nhà lá vườn”, do những người dân trong vùng tự trồng, nuôi, hay hái trong vườn, trong rừng, các vật dụng sản xuất nông nghiệp... và không thể thiếu những đặc sản của người dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa đó là những đặc sản: “Rượu Mông Pê, dê núi đá, cá Sông Đà, gà xương đen” tại các phiên chợ này.

 
 
Khám phá văn hoá nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi tại Điện Biên
Xòe Thái là một loại hình sinh hoạt văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở khu vực Tây Bắc nước ta. Từ bao đời nay, Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân. 
Đặc biệt, Xòe Thái có tính bình đẳng rất cao. Khi đã vào vòng Xòe, không còn phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ như: Mừng nhà mới, đám cưới hoặc Xên bản, Xên mường mà không Xòe thì họ coi bữa tiệc đó không vui, không thành công. Chính vì vậy, Xòe đã trở thành một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.
 
Múa khèn- nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông
Múa khèn của đồng bào dân tộc Mông thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi tiếng khèn Mông cất lên cũng là lúc những bước nhún, bước quay, vòng xoay tạo lên vũ đạo rất lôi cuốn. Đây là sự thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của đồng bào Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong các nghi lễ.
Vào dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đón Tết vui xuân các bài biểu diễn múa khèn có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau.
 
Khám phá văn hoá ẩm thực Điện Biên
Đến đây bạn không chỉ có cơ hội khám phá, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa mà còn có thể thưởng thức các món đặc sản độc lạ, thích hợp mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè.
 
Cá nướng (Pa pỉnh tộp): Món này là có nguồn gốc từ người dân tộc Thái. Món cá nướng này sử dụng nguyên liệu là cá chép hay trôi, trắm và một số loại cá suối khác. Cá được nướng trên than củi liu riu, khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị thơm nức mũi.
Gà nướng mắc khén: Món này cũng được xem là đặc sản của Điện Biên. Than củi phải không để nguội và lửa cháy quá to, không phết thêm mỡ vào thịt gà như cách nướng thông thường, nướng gà này phải nướng lâu không gấp gáp. Lúc nướng để cho mỡ gà chảy ra tự nhiên sao cho da và thịt sát lại sau đó mới rưới nước sốt mắc khén lên.
Gà đen Tủa Chùa: Còn có tên gọi là Ka Đu có mắt viền đen, da đen, vân thịt đen, phủ tạng đen, xương cũng nhuốm đen. Thịt gà Ka Đu rất săn chắc, thơm ngon. Đặc biệt thịt có hàm lượng glutamic và sắt cao gấp 2 lần so với gà bình thường và hàm lượng cholesterol thấp. Món này ăn bồi bổ cho người ốm yếu thì rất là tốt.
Rau Hoa ban: Rau ban là món “đưa cơm” của đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là ở Điện Biên. Dân tộc Thái hái từ những cây ban trên đồi cao, mang về rửa sạch rồi cho vào vại muối như muối dưa cải ở miền xuôi. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho thì ngon không gì sánh được.
(Sưu tầm)

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ