TỦA CHÙA - REVIEW KINH NGHIỆM ĐI DU LỊCH TỰ TÚC TỪ A-Z

KINH NGHIỆM ĐI DU LỊCH TỰ TÚC - KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP NGUYÊN SƠ VÀ HUYỀN BÍ CỦA TỦA CHÙA

Hẳn là hàng ngày bạn đã quá mệt mỏi với sức ép công việc, muốn tìm đến những nơi gần gũi với thiên nhiên để được thư giãn, refresh lại chính mình, và bỏ lại sau lưng tất cả những khói bụi, ồn ào nơi phố thị.
Nhưng đi đâu bây giờ? Đến những nơi sôi động nườm nượp du khách để hòa nhập với thế giới hiện đại sôi động; hay tìm đến những vùng đất thật hoang sơ, mộc mạc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nhằm tận hưởng những giờ phút quý giá nhất và làm mới tâm hồn. Tất cả phụ thuộc vào sở thích của mỗi người, đúng không?

Trong góc độ bài viết chia sẻ này, Hoàng Nam Travel sẽ đưa các bạn đến một vùng đất xa xôi, nghèo khó nhưng ấm áp tình người; chạm đến những điều lạ lẫm nhất mà đời thường bạn không có. Đến nơi này chắc hẳn bạn sẽ phải thốt lên rằng: "hiếm có nơi nào có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ đến dị thường thế này!". Đúng vậy, một nơi mà khí hậu thật trong lành, mát mẻ; cuộc sống cư dân thì mộc mạc, dân dã, gần gũi. Càng đi sâu vào trong xã mới thấy được hết vẻ đẹp một cách tự nhiên của tạo hóa, thiên nhiên...
Nào, bây giờ chúng ta cùng bắt đầu hành trình khám phá này nhé!

                                              Nơi được coi là đẹp nhất của Tủa Chùa thuộc địa bàn xã Huổi Só

I. HUYỆN TỦA CHÙA Ở ĐÂU? MỘT SỐ THÔNG TIN CẦN THIẾT CHO BẠN.
Huyện Tủa Chùa là một huyện thuộc vùng núi cao nằm ở phía đông bắc tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 135 km. Hệ thống giao thông đường bộ kết thúc tại ven bờ lòng hồ thủy điện Sông Đà. Để tiếp cận các huyện khác, bạn bắt buộc quay lại đường cũ, rẽ ngang vượt sông, hoặc bạn cần sử dụng hệ thống giao thông đường thủy.
Tủa Chùa có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tập trung đông nhất là dân tộc Mông chiếm trên 70% dân số của toàn huyện. Các dân tộc vẫn gìn giữ và duy trì được bản sắc văn hóa, truyền thống riêng biệt, lâu đời mang giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên những dấu ấn riêng của du lịch Tủa Chùa.
Ngoài ra, thiên nhiên nơi đây mang vẻ đẹp cực kỳ nguyên sơ, ít bị tác động bởi con người nên cảnh quan vẫn giữ được nét mộc mạc, tự nhiên. Điều này tạo nên sự huyền bí, thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm.

Hệ thống đường giao thông liên xã đã được trải cấp phối, trải nhựa và đang trong quá trình hoàn thiện (dự kiến hoàn thiện toàn bộ vào năm 2025). Việc di chuyển bằng các phương tiện đường bộ dễ dàng đối với xe máy và xe ô tô gầm cao, nên bạn vẫn có thể thỏa chí khám phá vùng đất hoang sơ này.

Với những tiềm năng sẵn có, Tủa Chùa được ví như “mỏ vàng” du lịch, nhưng chưa được khai thác triệt để và hiệu quả trong những năm gần đây.


II. ĐI DU LỊCH TỦA CHÙA MÙA NÀO ĐẸP NHẤT?

Ở mỗi thời điểm, mỗi mùa trong năm Tủa Chùa đều có những vẻ đẹp riêng, nhưng đẹp nhất vẫn là khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 9 dương lịch. Vào thời điểm này, khi đến Tủa Chùa, du khách được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành, được thả hồn, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang vào vụ lúa chín với nhiều gam màu sặc sỡ không thua kém gì thung lũng ruộng bậc thang ở Yên Bái; những bãi đá tai mèo trải dài xa ngút không khác gì cao nguyên đá Đồng Văn; những cung đường nhỏ uốn lượn, nhấp nhô sánh ngang với các cung đèo hiểm trở của Hà Giang.

- Trong những ngày đầu xuân, vào tháng Giêng, tháng Hai, bạn sẽ được dịp chiêm ngưỡng hoa đào rừng nở rực rỡ sắc hồng, hoa lê, hoa mận trắng muốt bên những triền núi; 
Nếu đến Tủa Chùa vào dịp này, bạn còn có cơ hội tham gia, thưởng thức và khám phá những điều thú vị tại lễ hội xuân của các dân tộc bản địa. Đặc biệt, vào tiết xuân, mỗi sáng sớm, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm săn mây từ những đỉnh núi cao, ngắm nhìn thung lũng bồng bềnh mây trắng, để ghi lại những bức ảnh đẹp và độc đáo nhất.
- Từ đầu tháng Ba, hoa gạo đỏ ối nổi bật trên các con đường cheo leo, uốn lượn; hoa ban trắng điểm thêm vẻ đẹp cho núi rừng. 
- Đầu tháng 8 đến cuối tháng 9 mùa thu hoạch lúa bắt đầu. Những thửa ruộng bậc thang nối dài theo thung lũng tạo cảnh đẹp nên thơ, từ màu xanh ngả sang màu vàng trải dài dưới ánh mặt trời. Dịp này là cơ hội để săn những bức ảnh đẹp nhất cho bộ sưu tập vẻ đẹp vùng cao của mình.

Du khách có thể tới thăm Tủa Chùa bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, Hoàng Nam Travel khuyên bạn nên tránh đi du lịch vào tháng 6 đến tháng 8, vì thời điểm này thường mưa nhiều, khiến đường sá giao thông trở nên khó khăn, có thể xảy ra sạt lở hay lũ lụt, gây cản trở giao thông.

III. DI CHUYỂN ĐẾN ĐIỆN BIÊN VÀ TỦA CHÙA BẰNG CÁCH NÀO?
Hiện nay có 3 cách để bạn tới Điện Biên du lịch đó là máy bay, xe khách hoặc tự lái xe từ Hà Nội:


1. HÀNH TRÌNH ĐẾN ĐIỆN BIÊN BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG
Từ Hà Nội đến Điện Biên có chuyến bay của hàng không Vietnam Airlines, hoặc Vietjet chỉ mất khoảng 1 giờ bay là tới; và khoảng 2 giờ bay đối với chuyến bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Tần suất bay đối với hãng Vietnam Airlines máy bay Airbus 321 là 1 ngày/chuyến. Riêng thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong tuần là 02 chuyến/ngày.

Tần suất bay đối với hãng hàng không Vietjet air tới Thành phố Điện Biên Phủ. Ngày 1 chuyến: (1) Hà Nội – ĐIện Biên – Hà Nội; (2) Thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần từ TPHCM – Điện Biên – TPHCM

Đến thành phố Điện Biên Phủ, sau khi thăm quan các di tích lịch sử, bạn sẽ hành trình 130 km nữa để đến trung tâm huyện Tủa Chùa, và tiếp theo đi một vòng tròn qua các xã là hơn 100 km nữa.


2. HÀNH TRÌNH TỪ HÀ NỘI ĐẾN TỦA CHÙA BẰNG XE KHÁCH ĐÊM
Có các loại xe khách chất lượng cao xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và Bến xe Yên Nghĩa – lịch trình, tuyến xe có thể thay đổi theo sự phân công, điều tiết của Sở Giao thông các tỉnh.
Các Nhà xe uy tín bạn có thể đặt chỗ:

 XE LIÊN TỈNH: Có thể liên hệ với nhà xe để cập nhật thời gian xuất phát hoặc trở về.

 

3. HÀNH TRÌNH ĐI TỦA CHÙA BẰNG XE MÁY TỰ LÁI
Bạn có thể hành trình đến thăm Tủa Chùa bằng xe máy. Điều này thực sự trải nghiệm nhiều cung đường dốc với nhiều cảnh đẹp ngoạn mục. Điều quan trọng là bạn tự tin với tay lái phượt của mình.
Khoảng thời gian chỉ mất 2.5 tiếng nếu bạn không dừng đỗ.

Các điểm dừng lý tưởng trên đường từ hướng Điện Biên - Tuần Giáo:

  • ĐỈNH ĐÈO TẰNG QUÁI: bạn có thể dùng trà, cà phê tại quán nghỉ trên đỉnh đèo và ngắm thung lũng Mường Khoe xanh ngát và trải rộng. Những sáng sớm thường là cơ hội để săn mây cực đẹp.

  • CẦU BẢN BÓ: Nơi đây có thể chụp ảnh núi và suối rất đẹp và thơ mộng. Nếu muốn chụp guồng nước (cọn nước bằng tre gỗ) bạn rẽ phải và đi thêm chừng hơn 1 km dọc suối là gặp ở ven triền suối (mùa mưa nhân dân sẽ tháo ra nên không còn). Đây cũng là một địa danh lịch sử có hang Thẳm Púa nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cơ sở cách mạng trong những ngày đầu chiến dịch Điện Biên Phủ.


    Xã Búng Lao, huyện Mường Ảng - cảnh đẹp trên đường đến Tủa Chùa

Chú ý: Khi đến xã Mùn Chung qua thị trấn Tuần Giáo 27 km, bạn sẽ rẽ phải qua cầu bê tông bắc qua suối Huổi Lóng. Từ đây bạn cứ thẳng tiến là sẽ đến Tủa Chùa.
 

NHÀ HÀNG ĂN TRƯA TẠI HUYỆN TUẦN GIÁO (NẾU ĐẾN VÀO BUỔI TRƯA)

NHÀ HÀNG THANH THỦY (trên trục đường chính Tuần Giáo - Lai Châu)
Phục vụ nhiều món ăn ngon bình dân, giá cả phải chăng (cần liên hệ trước)

LONG CƯỜNG QUÁN (Đường tránh không đi qua ngã ba Tuần Giáo)
Phục vụ nhiều món ăn ngon bình dân, giá cả phải chăng (không cần liên hệ trước)


NHÀ HÀNG SUỐI QUÊ:
(Khu vực ngã ba đường mới đối diện trạm CSGT tỉnh Điện Biên)

ĐIỂM THUÊ XE MÁY TỰ LÁI
Điểm thuê xe máy uy tín tại Thành phố Điện Biên Phủ giá tầm 150,000 đồng/ngày chạy bất cứ nơi đâu và không cần cọc, giữ giấy tờ tùy thân.

ĐỨC TÀI - TP ĐIỆN BIÊN PHỦ
Địa chỉ: Tổ 1, Phường Him Lam, Thành phố Điện Biên Phủ
Ship xe đến tận khách sạn để khách kiểm tra và nhận xe.


HUYỀN TRANG HOTEL - TẠI HUYỆN TUẦN GIÁO
Địa chỉ: Khối Tân Tiến, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

4. QUÃNG ĐƯỜNG DÀNH CHO XE Ô TÔ GIA ĐÌNH
Khoảng cách từ Hà Nội – Huyện Tủa Chùa

Hà Nội – Sơn La – Tuần Giáo: 400 km

Tuần Giáo – Thị tứ Mùn Chung:  27 km

Mùn Chung – Thị trấn huyện Tủa Chùa: 18 km (Rẽ phải tại km27 cầu xi măng Huổi Lóng)

5. CÁC CUNG ĐƯỜNG ĐẾN HUYỆN TỦA CHÙA

  • CUNG ĐƯỜNG CHÍNH (TP Điện Biên Phủ - Tủa Chùa 130 km): Nếu du khách đến TP Điện Biên Phủ bằng cầu hàng không và thuê xe du lịch hoặc xe máy tự lái tới huyện Tủa Chùa.

  • CUNG ĐƯỜNG 2: (Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La – Tuần Giáo – Tủa Chùa 450 km):

  • CUNG ĐƯỜNG 3: (Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa – Tân Uyên – Than Uyên – Quỳnh Nhai – Minh Thắng – Tủa Chùa) – Cung đường này khá đẹp với phong cảnh trữ tình của những đồi chè, ruộng bậc thang, thủy điện Bản Chát,  lòng hồ thủy điện Sơn La.

  • CUNG ĐƯỜNG 4: (Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa – Tam Đường – Thị xã Mường Lay – Quốc Lộ 6 – Tủa Chùa) – Cung đường này cũng khá đẹp. Từ thị xã Mường Lay rẽ lên đèo Xá Tổng và xuôi theo trục đường 6. Đường hơi hẹp, quanh co nhưng khung cảnh rất hoang sơ, vắng người, ít phương tiện – Chú ý rẽ trái khi thấy biển báo hướng đi Tủa Chùa khu vực bản Nậm Cút gần sông Nậm Mức)

IV. ĐẾN TỦA CHÙA CÓ NHỮNG CHỖ NGHỈ NÀO?
Tùy theo thời gian bạn đến hoặc về, Hoàng Nam Travel xin giới thiệu cho bạn một số địa chỉ ăn, nghỉ để bạn chọn cho phù hợp nhé.

1. CÁC NHÀ NGHỈ TẠI TRUNG TÂM HUYỆN TỦA CHÙA (tiêu chuẩn bình dân, chất lượng phòng bình thường)

NHÀ KHÁCH UBND HUYỆN TỦA CHÙA (Cách chợ 400 mét)
Địa chỉ: Thị trấn Tủa Chùa, Tủa Chùa, Điện Biên
 
NHÀ NGHỈ KIM OANH (Cách chợ 100 mét)
Địa chỉ: Thị trấn Tủa Chùa, Tủa Chùa, Điện Biên
 
NHÀ NGHỈ TRƯỜNG PHÚC (Cách chợ 100 mét)
Địa chỉ: Thị trấn Tủa Chùa, Tủa Chùa, Điện Biên
 
NHÀ NGHỈ THÀNH ĐẠT
Địa chỉ: Khu bản Sẳng, đối diện cây xăng Mường Báng, Tủa Chùa.


2. NGHỈ TẠI CÁC XÃ THUỘC HUYỆN TỦA CHÙA
HOMESTAY QUỐC KHÁNH (Nhận đặt cơm theo yêu cầu)
Địa chỉ: Bản Tiên Phong, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa.
 
HOMESTAY PI NỌONG (Nhận đặt cơm theo yêu cầu) – cách chợ huyện 4 km
Địa chỉ: Thôn Huổi Lực, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa
 
HOMESTAY CHÁNG MÙA (A CHÁNG)
Trải nghiệm không gian sinh hoạt dân tộc Mông, đặt cơm theo yêu cầu.
Địa chỉ: Thôn Tả Phìn 1, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa
 
NHÀ NGHỈ TRUNG BAN (NHÀ XÂY CẤP 4) (Cách ngã ba chợ 1 km) - Nếu bạn muốn sớm hôm sau đi dự chợ phiên vào ngày tí, ngày ngọ.
Địa chỉ: xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa
 

V. CÁC ĐỊA ĐIỂM ĂN UỐNG TẠI HUYỆN TỦA CHÙA
Hoàng Nam Travel giới thiệu thêm một số địa điểm ăn hợp vệ sinh và ngon tại trung tâm huyện Tủa Chùa (vì là địa bàn khó khăn nên giá cả sẽ đắt hơn nơi khác một chút, điều này mong bạn hết sức thông cảm)
 
NHÀ HÀNG DÂN TỘC QUÁN (Chuyên cơm đặt với các món ăn dân tộc)
Địa chỉ: Bản Sẳng, Thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa
Điện thoại: 0374 087 174
 
QUÁN ĂN THƠM CHINH (Chuyên phở sáng, cơm đặt với các món ăn dân tộc)
Địa chỉ: Bản Ten, thị trấn Tủa Chùa
Điện thoại:  0372 776 601
Nhà hàng phục vụ ăn sáng với các món bún, phở các loại.
 
NHÀ HÀNG CƯỜNG TƯƠNG (Nhận đặt các món theo yêu cầu)
Địa chỉ: Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tủa Chùa
Điện thoại:  0916 838 214 – 0868 057 887

NHÀ HÀNG SƠN QUỲNH (cạnh Nhà khách UBND huyện)

Địa chỉ: Tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa
Điện thoại:  0987 061 819 – 0942 541 819

QUÁN CÀ PHÊ, GIẢI KHÁT
KING OF TEA
Phục vụ đồ uống, café, nước hoa quả ép, trà sữa
Địa chỉ: Tổ dân phố Thắng Lợi 2 – thị trấn Tủa Chùa
Điện thoại:  0966 096 673
 
CAFE HỒNG KỲ
Phục vụ đồ uống, café, nước hoa quả ép, trà sữa
Địa chỉ: Khu Đồng Tâm – thị trấn Tủa Chùa
Điện thoại:  0971 614 935
 

VI. CÁC ĐẶC SẢN ĐẶC SẮC CỦA TỦA CHÙA

1. DÊ NÚI ĐÁ
Dê núi đá là đặc sản ẩm thực của Tủa Chùa nổi tiếng với hương vị thơm ngon và chất lượng cao. Dê tại khu vực này thường được chăn thả trên các sườn núi đá và sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tự nhiên, cho thịt chắc và ngọt. Đây là một trong những đặc sản nổi bật của vùng đất này, được người dân ưa chuộng trong các bữa ăn và tiệc tùng.  

2. CÁ SÔNG ĐÀ
Ngày xưa dòng Đà Giang chảy qua một số xã thuộc huyện Tủa Chùa. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm tự nhiên và là hệ thống giao thông đường thủy nối liền với các huyện lân cận. Từ khi công trình thủy điện Sơn La được hoàn thành, vùng trũng các xã Huổi Só, Sín Chải và Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa chìm dưới làn nước sông Đà. Tận dụng diện tích lòng hồ, bà con nhân dân thuộc các hộ tái định cữ đã nuôi cá lồng với các loại cá thịt chắc, thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao có thể chế biến thành nhiều món ngon như nướng, hấp hoặc chiên, hoặc được dùng để làm gỏi và lẩu măng chua theo cách làm của bà con dân tộc.

3. GÀ XƯƠNG ĐEN
Tủa Chùa có giống gà đặc sản mà không vùng đất nào có được, đó là gà đen của đồng bào dân tộc Mông. Gà đen nổi tiếng thơm ngon, thịt chắc, ai đã ăn thử một lần sẽ nhớ mãi.
Theo thói quen bao đời, người Mông không làm chuồng, mà gà sẽ ngủ trên cành cây bất kể trời mưa gió, giá rét và chỉ ăn ngô, thóc... Chính vì sinh trưởng một cách tự nhiên mà cả năm trời mới nặng khoảng 2 kg nên thịt ngon hơn nhiều so với những loại gà nuôi theo hình thức công nghiệp.
Trong các mâm cỗ truyền thống đều phải có thịt gà đen, bởi theo họ như vậy mới quý, mới được coi là chủ nhà hiếu khách. Những thực khách đến nơi đây, khi nhắc đến ẩm thực Tủa Chùa, cũng luôn nhớ vị gà xương đen nơi đây.


4. RƯỢU MÔNG PÊ
Nếu bạn tới Tủa Chùa đừng nên bỏ lỡ cơ hội mua rượu Mông Pê về làm quà cho người thân.
Được chưng cất từ những hạt ngô nếp trắng và men lá, rượu Mông Pê là thức uống hảo hạng có uống đến mềm môi mà không thấy đau đầu. Ngô nếp đầu mùa được chọn kỹ, rồi đem hấp cách thuỷ chừng năm đến sáu tiếng, bỏ ra nong, nia hay lá chuối cho nguội sau đó mới rắc men. Men ủ rượu Mông Pê là men lá được làm từ thảo dược trên núi, với nhiều vị thuốc có lợi cho sức khoẻ như lưu thông khí huyết, chống lạnh, trừ cảm và giảm nhức mỏi… Rượu Mông Pê không ủ trong những chum, vại mà được ủ dưới lòng đất. Người ta đào những hố sâu gần 1m dưới lòng đất, sau đó lót lá chuối khô xung quanh rồi đổ nguyên liệu lên, lớp trên cùng được xếp lá chuối khô rồi phủ đất lên. Trên ba tháng, nguyên liệu đó được đào lên và mang ra nấu thành rượu. Nước để nấu rượu cũng khác, nó được lấy trên những khe núi đá cao nên mới tạo nên hương vị đặc trưng của rượu Mông Pê mà chỉ có vùng đất này mới làm ra chúng.


5. CHÈ SHAN TUYẾT
Cây chè Shan Tuyết hiện được ví như “vàng xanh” mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông trên vùng cao nguyên đá khắc nghiệt huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Những cây chè cổ thụ ở xã Sín Chải, Tủa Chùa có tuổi đời hàng trăm năm. Chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi là chè tuyết. 
Do khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp; được đồng bào dân tộc Mông thu hái thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chè Shan Tuyết nơi đây có chất lượng sạch, an toàn, hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, trà mới uống có vị hơi đắng chát của mùi lá cây rừng lâu năm. Nhưng sau khi uống thì lại có vị ngọt đắng đặc biệt lưu lại nơi đầu lưỡi. Đặc biệt, chè Shan tuyết Tủa Chùa khi pha phải dùng nước mưa mới đúng vị của thiên nhiên.


6. LỢN "CẮP NÁCH" sản vật đặc trưng của cao nguyên đá Tủa Chùa.
Cùng với “Rượu Mông Pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà xương đen, chè Shan tuyết” thì lợn “Cắp nách” được coi là một trong những sản vật đặc trưng của Tủa Chùa. Lợn “Cắp nách” Tủa Chùa nổi tiếng bởi vị thơm, ngon riêng có và hấp dẫn bởi cách chế biến đậm đà hương vị Tây Bắc mà du khách đến với mảnh đất này đều muốn thưởng thức để cảm nhận.


VII. TỦA CHÙA CÓ NHỮNG ĐIỂM NÀO KHÁM PHÁ, THĂM THÚ?
Hoàng Nam xin gợi ý các điểm tham quan sau:

1. TẠI TRUNG TÂM THỊ TRẤN HUYỆN TỦA CHÙA

- Chợ đêm được tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần: Với các hoạt động gần gũi, nhưng mang sắc màu văn hoá đặc sắc của đồng bào, đã tạo nên nét đẹp riêng mà có lẽ chỉ chợ đêm Tủa Chùa mới có.
Ngay tại vị trí trung tâm của chợ đêm là gian hàng ẩm thực với hàng chục hàng quán, phục vụ rất nhiều món ăn truyền thống, trong đó đặc sắc phải kể đến lẩu thắng cố, dê núi, rượu ngô thơm nồng… hấp dẫn hàng trăm người dân và du khách quây quần thưởng thức. Mình đã từng ăn tối ở chợ này. Tất cả đều do địa phương sản xuất, chăn nuôi nên món ăn hương vị thật đậm đà, nào là thắng cố, gà xé tay, nặm pịa, cá nướng...ngon một cách khó cưỡng. Ngồi ăn trên mẹt, tay bốc có vẻ hơi khó coi nhưng đó là bản sắc mà.

 

Ngoài ra, tại chợ đêm, bà con từ nhiều nơi trên địa bàn huyện cũng trở về đây để bày bán các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, tiêu biểu như: phong lan, mật ong rừng, các loại thảo dược.... Tất cả tạo nên một không khí nhộn nhịp, hấp dẫn du khách khi đến tham quan.
Ngoài ra, đến đây du khách còn được thưởng thức chương trình ca múa nhạc đặc sắc do các đội văn nghệ, đồng bào dân tộc các xã biểu diễn mang đậm nét truyền thống, thông qua các làn điệu dân vũ, công cụ hòa tấu dân gian... 

- Chợ phiên sáng chủ nhật: Chợ phiên tại thị trấn Tủa Chùa là địa chỉ hấp dẫn đối với mỗi người yêu và muốn tìm hiểu văn hóa các dân tộc Điện Biên. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là ngày hội của bà con vùng cao. Bà con đi chợ để gặp gỡ, giao lưu sau một tuần lao động mệt nhọc. 


Chợ đêm và phiên chợ sáng chủ nhật tại thị trấn huyện 

2. ĐIỂM THAM QUAN XÃ MƯỜNG BÁNG
- Điểm săn mây Kề Cải: nằm cách trung tâm thị trấn 3 km: Điểm săn mây, ngắm hoàng hôn thôn Kể Cải có view rất đẹp. Du khách đến với Kể Cải, nhất là vào thời điểm sáng sớm có thể hòa mình vào biển mây trắng bồng bềnh như tiên cảnh. Từ trên đỉnh có thể phóng tầm mắt xuống dưới là Thủy điện Nậm Mức, Thủy điện Trung Thu thường xuyên có sương và mây bao phủ, tạo khung cảnh thiên nhiên đầy quyến rũ. Cảnh hoàng hôn Kể Cải cũng khiến bao du khách nao lòng, xao xuyến.

3. ĐIỂM THAM QUAN XÃ TRUNG THU
- Đồi thông Po Chua Lừ với những cánh rừng thông 3 lá: Với độ cao 1.400 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, trong lành. Đây là nơi các bạn trẻ biểu diễn các điệu múa, lời ca dân tộc dịp cuối tuần và là điểm hẹn chờ đón du khách yêu thích sự lãng mạn của đồi thông lộng gió reo. Những hàng thông cao vút, xanh ngắt hòa cùng với những làn sương tan vào buổi sáng sớm khiến cho khung cảnh nơi đây được du khách ví như đang ở Đà Lạt mộng mơ. 
 “Lên Trung Thu ngắm rừng thông xanh” – rừng thông tại xã Trung Thu đẹp và cổ thụ không thua kém rừng thông Đà Lạt hay rừng thông Bản Áng – Mộc Châu (Sơn La); khí hậu tại Trung thu vô cùng mát mẻ, rất thích hợp để du lịch khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

       

- Hàng rào đá tai mèo: được xếp bằng những phiến đá vôi tỉ mỉ mang đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.
- Nông trại H’Mông: với trải nghiệm hái dâu tây; các nương ruộng xen kẽ những nương đá tai mèo trồng nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng theo hướng hàng hóa như chanh leo, su su…. 


4. ĐIỂM THAM QUAN XÃ XÁ NHÈ (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 15 km)

- Hang động Xá Nhè: Động Xá Nhè còn được người dân tộc Mông địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ) vì trước đây ở trong hang có nhiều dơi, người dân địa phương thường lấy phân dơi làm nguyên liệu chế tạo thuốc nổ. Từ những kiến tạo, vận động của tự nhiên qua hàng triệu năm, trong các dãy núi đã hình thành nên hang động. Nếu bạn muốn ghé thăm xin lưu ý đường đi vào còn khó khăn, nên thận trọng để tránh những bất trắc xảy ra.
- Hang động Khó Chua La: Hang động Khó Chua La thuộc xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, được gọi tên theo tiếng cùa dân tộc Mông địa phương (Khó có nghĩa là hang động, Chua có nghĩa là núi đá hoặc mỏm đá, La có nghĩa là khỉ, dịch sang tiếng phổ thông Khó Chua La có nghĩa là hang động khỉ). 

        Hang động Khó Chua La - Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia

- Chợ Phiên Xá Nhè (ngày Dậu, ngày Mão): Phiên chợ thường diễn ra tại lối vào Khu di tích danh lam thắng cảnh hang động Khó Chua La. Đây là nơi hội tụ buôn bán và trao đổi hàng hóa, sản vật địa phương của đồng bào các dân tộc phía nam huyện Tủa Chùa và các xã lân cận thuộc huyện Tuần Giáo.

5. ĐIỂM THAM QUAN XÃ TỦA THÀNG
 (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 34 km)

- Bến sông Huổi Trẳng: Đến Huổi Trẳng vào những ngày này, ai cũng đều ngỡ ngàng trước cảnh đẹp non nước hữu tình nơi đây. Huổi Trẳng là điểm di vén dân tái định cư với những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái trắng. Ra bến sông, du khách có thể chèo thuyền để ngắm cảnh đẹp đôi bờ của vùng lòng hồ thủy điện Sông Đà. 

- Thôn Tủa Thàng: Với con đường nhỏ hẹp chạy nép lưng chừng núi đá tai mèo dẫn tới một thung lũng rộng, trù phú nơi sinh sống của bà con người dân tộc Mông.

- Thôn Làng Vùa 1: Con đường nhỏ khiến du khách có cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm khi di chuyển từ đỉnh núi cao xuống dưới chân thung lũng. Cảnh quan nơi đây vừa đẹp vừa thanh bình, tạo điều kiện lý tưởng để du khách tản bộ quanh thôn và tận hưởng bầu không khí trong lành của miền núi.


6. CÁC ĐIỂM THAM QUAN TẠI XÃ HUỔI SÓ (cách trung tâm thị trấn Tủa Chùa 42 km)

- Hang Pê Răng Ky: là một hang được coi là đẹp nhất của Tủa Chùa với các nhũ đá thiên nhiên kỳ thú có niên đại hàng nghìn năm. Tuy nhiên, hiện tại để khám phá được hang này thì chưa phương tiện nào tiếp cận được, mà chỉ có một đường mòn dài 3 km để những người hiếu kỳ bộ hành tới thăm.

- Bến Sông Huổi Lóng: với cảnh đẹp núi non, sông nước thơ mộng, được ví như sơn nữ mỹ miều còn e ấp. Xưa kia, xã Huổi Só vốn là huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng, được mệnh danh là “ngã ba của 3 tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu”. Ngày xưa nơi đây vực đá, sông cạn. Ngày nay, nước mênh mông, đôi bờ là những thửa ruộng nương, vách núi dựng đứng.
Từ ngày nước ngập mênh mông, người dân bản địa chuyển sang nghề chở thuyền. Sơn dân ở đây là sự kết hợp kết hợp núi sông. Đàn bà con gái trồng chè, dệt cửi; đàn ông trai tráng làm nghề sông nước, buôn bán.

- Cầu treo Pa Phông: bắc qua lòng hồ trên con đường độc đạo nối trung tâm xã Huổi Só với bản Huổi Lóng. Trước đây, ở phía thượng nguồn của nhánh suối nhỏ này có một bản của người dân tộc Dao sinh sống là Pa Phông. Vì thế, chiếc cầu treo xây dựng tại đây đã được đặt tên theo tên của bản làng này.

Nhìn từ trên cao, cầu treo Pa Phông hiện lên trên nền nước xanh ngọc bích, giữa hai bên vách đá sừng sững khiến cho khung cảnh nơi đây trở nên hùng vĩ. Cầu Pa Phông nằm ở lưu vực sông uốn lượn có một phần lấn sâu vào nội địa tạo nên "vịnh" nhỏ với những vách núi đá dựng đứng như những hòn đảo trong vịnh. Gần đây, cầu treo Pa Phông là điểm check-in yêu thích của nhiều du khách khi đến huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Vịnh Huổi Só và Cầu Pa Phông

7. ĐIỂM THAM QUAN XÃ MƯỜNG ĐUN (cách trung tâm thị trấn huyện Tủa Chùa 20 km)

- Hang động Thẩm Khến: Hang Thẳm Khến khá gần trung tâm xã Mường Ðun song không có nhiều dân cư nên cảnh quan rừng núi vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên.
Trong khoang hang đầu tiên có các phiến đá, măng đá, cột đá. Càng vào sâu bên trong, hang động càng sinh động và lộng lẫy bởi thạch nhũ hình các con vật như: Voi, rồng, phượng, rùa, các loại chim… Ở khoang thứ hai, trên trần hang có những mảng nhũ đá lớn màu vàng, xám đan xen, sắc nhọn đâm thẳng xuống nền hang động, những giọt nước li ti tinh khiết từ đầu nhũ đá nhỏ xuống làm cho cả khoang trở nên mát lạnh. Tại khoang thứ ba, vòm khoang bằng phẳng, nhẵn nhụi và ít nhũ đá hơn. Vách và nền hang động là những dải nhũ màu vàng hình thù kỳ lạ. Nổi bật hơn cả là trụ đá to ở trung tâm khoang, xung quanh là những phiến đá nối tiếp nhau từ cao xuống thấp như những ruộng bậc thang với các đường nét tỉ mỉ. Ðiểm thu hút ở khoang thứ ba này là cuối khoang có một khoảng trống rộng hơn 2m, ánh sáng tự nhiên chiếu vào hang làm cảnh vật nơi đây thêm phần lung linh.


8. CÁC ĐIỂM THAM QUAN XÃ SÍNH PHÌNH (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 14 km)

- Ruộng Bậc Thang Đề Dê Hu: là một tuyệt tác của con người, được tạo ra từ hàng trăm năm trước. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa xanh mướt, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Đến Tủa Chùa vào tháng 4, tháng 5 hoặc tháng 9, tháng 10, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sắc vàng mùa lúa chín rực rỡ trải rộng đến chân núi.

- Hội xuân Tà Là Cáo: hội xuân thường được diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm và trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào ở các thôn, bản rẻo cao.
Sau một năm lao động vất vả, người dân có điều kiện gặp gỡ nhau, giao lưu tình cảm và đặc biệt là tham gia các trò chơi dân gian, truyền thống, qua đó thể hiện sức sống mãnh liệt, cũng như tinh thần đoàn kết của bà con nhân dân trên địa bàn.
Tại đây diễn ra các hoạt động: ném pao, múa khèn, giao lưu văn nghệ hội xuân, lễ hội chọi dê, thi bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt lợn…

Chọi dê: hội chọi dê luôn đem lại cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Tại đây, khán giả sẽ được tận mắt xem những pha ra đòn của các “đấu sĩ” dê với những miếng võ như ghè, khóa sừng, húc hoặc hất bụng để ghi điểm trước đối thủ.
Đặc biệt, những “đấu sĩ” dê dù thắng hay thua cuộc thì cũng không bị mổ thịt mà được trở về sinh sống cùng đàn. Những “đấu sĩ” dê chiến thắng giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống, nhân đàn và bảo tồn nguồn gen.

9. CÁC ĐIỂM THAM QUAN TẠI XÃ TẢ PHÌN (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 28 km)

- Cao nguyên đá Tả Phìn: hướng về phía Bắc của huyện Tủa Chùa là xã Tả Phìn, một “công trình” thiên nhiên tạo hóa đó là cao nguyên đá cổ trải dài hơn 4 km với bạt ngàn những phiến đá tai mèo san sát, đua nhau vươn từ dưới thung lũng lên đỉnh đồi trông như những chiếc măng đá tua tủa hướng lên trời cao xen kẽ là hoa màu xanh ngát của bà con trồng theo các vụ mùa.
Đến với Tả Phìn, quý khách còn được tận hưởng khí hậu mát mẻ, ngắm phong cảnh yên bình và được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật thành cổ xưa, chứa đựng nhiều huyền thoại đó là Thành Vàng Lồng.

- Công trình nghệ thuật kiến trúc Thành Vàng Lồng: Di tích thành Vàng Lồng hiện nay thuộc bản Tả Phìn 1, xã Tả Phìn. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, năm 2014 thành Vàng Lồng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Theo các bậc cao niên kể lại thì thành Vàng Lồng được xây dựng chủ yếu vào lúc nửa đêm, bởi cứ mỗi sáng thức dậy người dân trong bản thấy thành cao hơn và cứ như vậy trong vòng 9 năm thành được xây xong. Vật liệu chính để xây thành chủ yếu là đá xếp chồng lên nhau, phản ánh đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, với phong tục khá đặc sắc như mài đá, đập đá, khai thác vật liệu bền chắc xây dựng thành bảo vệ nhà cửa, tài sản, tránh thú dữ…

- Cánh đồng Chiếu Tính: Thiên nhiên quả thực ưu ái với xã Tả Phìn, ngoài cao nguyên đá và thành Vàng Lồng nổi tiếng, xã Tả Phìn có cánh đồng Chiếu Tính - một trong những cánh đồng lớn, phì nhiêu nhất của huyện Tủa Chùa. Cánh đồng Chiếu Tính là cánh đồng ruộng bậc thang đặc trưng của vùng núi, là sản phẩm của trí tuệ và sức lao động phi thường của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông.

 
Cao nguyên đá và Cảnh đẹp ruộng bậc thang Tủa Chùa

10. CÁC ĐIỂM THAM QUAN XÃ TẢ SÌN THÀNG (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 40 km)

- Chợ phiên Tả Sìn Thàng (họp vào ngày ngọ và ngày tý) là nơi hội tụ đầy đủ bản sắc của một phiên chợ vùng cao, với cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, cùng với các công cụ thủ công thô sơ được chế tác từ bàn tay khéo léo của người dân địa phương. Dù trải qua thời kỳ kinh tế hóa, công nghiệp hóa, nhưng chợ phiên Tả Sìn Thàng vẫn giữ được nét giản dị, đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.

- Bản làng người Xạ Phang (người Hoa) tìm hiểu nghệ thuật thêu giày truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào.

- “Cây cô đơn” nằm chơ vơ giữa lòng thiên nhiên, tạo nên khung cảnh heo hút, thơ mộng, thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.

 

11. CÁC ĐIỂM NGẮM CẢNH XÃ LAO XẢ PHÌNH (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 30 km)

Là một xã có điều kiện kinh tế khó khăn thời tiết rất lạnh luôn có sương mù bao quanh trên các đỉnh núi. Chính tạo hóa khắc nghiệt lại lại ban cho Lao Xả Phình một mùa xuân đầy sắc đào sắc mơ sắc mận đẹp đến xao xuyến lòng người. Khắp bản làng núi rừng đều căng tràn sức xuân tươi mới lộng lẫy.

Cung đường đến xã uốn lượn, quanh co, nhỏ hẹp, với con đèo mang tên là Đèo gió , nơi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt. Từ lưng chừng núi, du khách có thể phóng tầm mắt, thả hồn ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa trong tranh, hoặc chiêm ngưỡng con sông Nậm Mức thơ mộng chảy uốn quanh thung lũng…


12. CÁC ĐIỂM THAM QUAN TẠI XÃ SÍN CHẢI (Cách trung tâm thị trấn tủa chùa 48 km)

- Chè Shan Tuyết cổ thụ tại thôn Sín Chải và Hấu Chua: Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại thôn Sín Chải và Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa mọc tự nhiên trên các dãy núi đá nằm ở độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, quanh năm sương mù mây phủ; rừng chè Shan Tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây chè cổ thủ hàng trăm năm tuổi (xã Sín Chải) đã được công nhận cây di sản Việt Nam. Nhiều cây có đường kính gốc từ 0,8-1,2m.
Với đồng bào dân tộc Mông nơi đây thì chè Shan tuyết ở Hấu Chua, Sín Chải luôn được coi là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên dành cho bà con; nhờ có cây chè Shan tuyết cổ thụ nhiều gia đình đã nuôi được con cháu ăn học, sắm sửa các vật dụng trong gia đình. Với bà con vùng cao thôn Hấu Chua, thôn Sín Chải, cây chè Shan tuyết cổ thụ còn là tài sản truyền đời mà cha ông trân quý để lại cho thế hệ mai sau.

Các điểm tham quan khác:
- Hang Hấu Chua
- Cánh đồng Háng Khúa (mâm vàng, mâm ngọc)
- Điểm Check in ngắm hoàng hôn Trung Khua Xa

Rừng chè cổ thụ/cánh đồng Háng Khúa "mâm vàng, mâm ngọc"

VIII. NHỮNG LƯU Ý KHI ĐI DU LỊCH ĐẾN TỦA CHÙA

  • Không nên du lịch đến nơi đây tháng 7 - 8 vì mùa mưa bão dễ sạt lở, ách tắc giao thông cục bộ.

  • Các bạn nên xem dự báo thời tiết trước khi lên lịch trình cho mình. Tuy nhiên, thời tiết nơi đây rất khó đoán.

  • Kiểm tra phương tiện cẩn thận vì đường xá còn khó đi, ở một số đoạn cua tay áo có nhiều đá nhỏ gây trơn trượt.

  • Mang theo thuốc men, vật dụng cá nhân đầy đủ phòng các trường hợp đặc biệt xảy ra.

  • Mang theo ít đồ ăn khô vì đôi lúc vào trong vùng sâu thiếu thốn thực phẩm.

  • Giao tiếp và thăm bản dân tộc cần có những cách cư xử đúng mực và nhận biết những điều kiêng kỵ nếu không phạm vào các tục lệ của người dân sẽ rất phiền cho bạn.

  • Nếu muốn thảnh thơi, an toàn nên mua tour du lịch của các đơn vị tổ chức có đủ giấy phép lữ hành và hoạt động chuyên nghiệp để tránh những bất tiện tranh chấp về sau.

 
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ Review điểm đến huyện Tủa Chùa. Nếu bạn cần thêm sự hỗ trợ gì trong chuyến đi thì có thể liên lạc số điện thoại: 0912 545 289, HOÀNG NAM TRAVEL TẠI TỈNH ĐIỆN BIÊN sẽ hỗ trợ bạn hết mức để hoàn thành ước muốn chuyến đi khám phá, trải nghiệm của bạn./.

Biên soạn: Đỗ Ngọc Hoan

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ