NGÀY 01: TP ĐIỆN BIÊN PHỦ CITY TOUR ( BỮA TỐI)
Buổi chiều:
Đoàn đáp chuyến bay Hà Nội - Điện Biên Phủ. Xe đón đoàn về khách sạn nhận phòng. Xe đón đoàn tới thăm di tích đồi A1, Hầm Đờ Cát, Cầu Mường Thanh. Đây là quần thể di tích lịch sử nơi diễn ra những trận giao tranh ác liệt giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp năm 1954.
Đoàn di chuyển lên thăm vị trí cứ điểm đồi D1. Nơi đây có đặt Tượng đài Chiến thắng với bức tượng đồng nặng 220 tấn và khuôn viên rộng lớn. Đứng nơi này có thể bao quát toàn bộ quang cảnh Thành phố Điện Biên Phủ và các vị trí chiến lược của Pháp chung quanh.
17h00 Xe đưa đoàn tới thăm Bản văn hóa dân tộc Thái đen. Ngắm cảnh, trò chuyện với người dân, xem các hoạt động lao động sản xuất hàng ngày của bà con. Sau đó đoàn thưởng thức ẩm thực tại nhà hàng địa phương và giao lưu văn nghệ, múa xòe, nhảy sạp quanh lửa trại tại bản.
Trở về thành phố. Nghỉ đêm tại Khách sạn.
NGÀY 02: TP ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỞ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH (BỮA SÁNG, TRƯA, TỐI)
Buổi sáng:
Đoàn xuất phát thăm một số cụm di tích chiến tranh:
Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ A1: Nơi yên nghỉ của cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nơi trưng bày các hiện vật, cảnh tượng lịch sử tái hiện lại cuộc chiến hào hùng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đặc biệt, du khách sẽ tham quan bức tranh Panorama. Đây là bức tranh panorama về chủ đề lịch sử lớn nhất Đông Nam Á.
Đoàn tiếp tục di chuyển về phía tây của thành phố ghé thăm Khu tưởng niệm Noong Nhai là một trong những trại tập trung mà quân Pháp dồn người dân tách ly sự liên lạc, tiếp tế với Quân đội Việt Nam. Trước nguy cơ bại trận tại Cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng điên cuồng ném bom giết hại nhiều người già, phụ nữ, trẻ em tại nơi này.
Tiếp tục đoàn dừng chân tại Thành Bản Phủ thăm đền thờ Hoàng Công Chất và cây đa si đề gần 300 năm tuổi.
Trở lại Thành Phố Điện Biên Phủ. Ăn trưa tại nhà hàng dân tộc.
Buổi chiều:
Đoàn xuất phát đi Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng: Tham quan lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc và các cơ quan của Bộ Chỉ huy chiến dịch...
Trên đường về, dừng chân nghỉ ngơi tận hưởng không khí trong lành của rừng núi, cỏ cây, cảnh đẹp ngát xanh thủy mặc của hồ Pá khoang.
Ngắm cảnh núi rừng; hoặc ghé thăm đảo hoa nơi trồng nhiều loại cây ăn quả, các loại hoa, đặc biệt là hoa Anh đào nở rộ đỏ cả một góc rừng mỗi độ xuân về.
Trở về khách sạn tắm giặt, nghỉ ngơi. Tự do dạo chơi quanh thành phố về đêm.
NGÀY 03: ĐIỆN BIÊN PHỦ - QUỲNH NHAI (BỮA SÁNG, TRƯA, TỐI)
07h00 Đoàn ăn sáng và trả phòng khách sạn.
07h30 Xe đưa đoàn hành trình đi Quỳnh Nhai (Sơn La)
10h30 Đến Quỳnh Nhai. Quý khách xuống xe ngắm cảnh và chụp ảnh Cầu Pá Uôn. Cầu Pá Uôn là một cây cầu bắc qua lòng hồ Thủy điện sông Đà tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Cầu được xác lập kỷ lục là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam, với tổng chiều dài là 1.293 m, chiều rộng 9 m, cao 103.8 m bao gồm 11 trụ với tổng kinh phí 740 tỉ VNĐ– Cầu được khởi công năm 2007 và đưa vào sử dụng năm 2010.
11h30 Đoàn nhận phòng nghỉ tại Homestay Mái Vòm tại khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Nghỉ ngơi tại chỗ. Sau đó xe đưa Quý khách ghé bến thuyền để khởi hành đi thăm đảo bằng du thuyền.
12h00: Quý khách trở lại du thuyền di chuyển về Đảo Trái Tim.
Ghé thăm hòn đảo xanh với thảm thực vật đa dạng, khung cảnh hùng vĩ của núi non, với hàng chục loài cây quý hiếm được lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn qua nhiều thập kỷ. Quý khách tự do tham quan, chụp ảnh kỉ niệm trên đảo và dùng bữa trưa trên nhà nổi. Sau đó tham gia vào các hoạt động giải trí thú vị như: chèo thuyền Kayak, xích đu khổng lồ, cá rỉa chân.
15h00: Quý khách tới Vịnh Uy Phong - được bao bọc bởi trùng điệp núi non nên rất thơ mộng. Tại đây, du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tham gia các trò chơi dưới nước như: chèo thuyền, bóng nước, cá rỉa chân, ...
(Quý khách có thể tiếp tục hoạt động đó là tới tắm suối khoáng nóng Bản Bon cũng để lại những ấn tượng thư giãn tuyệt vời. Nguồn nước khoáng nóng của suối nước nóng bản Bon được chảy tự nhiên từ khe núi, không qua tác động của con người và nhiệt độ nước thường xuyên duy trì từ 40 - 45oC rất phù hợp để ngâm mình chữa bệnh, thư giãn và dưỡng da. Ngoài ra, khu suối nước nóng bản Bon còn có một thác nước và suối lạnh chảy ngay bên cạnh, tạo ra sự đa dạng trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan nơi đây.)
17h00: Quý khách di chuyển lên thuyền về khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai.
17h30: Thuyền cập bến Quỳnh Nhai, quý khách lên xe di chuyển về khu du lịch. Ăn tối, nghỉ đêm tại đây.
NGÀY 04: DU HÀNH TRÊN LÒNG HỒ - MƯỜNG LAY (BỮA SÁNG, TRƯA, TỐI)
08h00: Quý khách lên xe di chuyển tham quan Đền Linh Sơn Thủy Từ, Đền Nàng Han. Đền có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ XVII thờ nữ tướng Anh hùng của dân tộc, người dân nhiều nơi của 16 Châu Thái, trong đó có Châu Chiên (Châu Quỳnh Nhai) đã lập đền thờ Nàng Han (tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên), thờ cúng vào dịp lễ, tết và tổ chức Lễ hội Gội đầu vào chiều 30 tết hàng năm. Cầu mong được che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và bản, mường yên vui, mùa màng bội thu.
09h00: Đoàn lên tàu và di chuyển trên lòng hồ thủy điện Sông Đà theo hướng Mường Lay (Khoảng cách 176 km – với tốc độ di chuyển của tàu 28 km/giờ - thời gian khởi hành bao gồm cả khách chụp ảnh, thưởng ngoạn thiên nhiên và cập bờ ăn trưa sẽ là 8 tiếng đồng hồ.
Một cơ hôi tuyệt vời để thả hồn với thiên nhiên, sông nước thanh bình và từ từ khám phá dọc sông Đà ngược từ Quỳnh Nhai đến Tủa Chùa và Mường Lay. Dọc hành trình là phong cảnh hùng vỹ hai bên sông, ngắm nhìn/khám phá các hang động đẹp như Pê Răng Ky (Huổi Só, Tủa Chùa) và tìm hiểu văn hóa các dân tộc sống ven hai bên bờ sông. Đây thực sự là một hành trình trải nghiệm với đủ những cung bậc cảm xúc sẽ ghi dấu ấn không thể nào quên đối với mỗi du khách.
17h00: Tàu cập bến sông Đà – thị xã Mường Lay
Xe đón đoàn về khách sạn Thanh Bình. Nghỉ ngơi, ăn tối và bách bộ ngắm cảnh thị xã về đêm (Gọi là thị xã nhưng tầm vóc của Mường Lay chỉ như một thị trấn nhỏ miền núi với số dân cư thưa thớt, thường là rất vắng vẻ nhất là buổi sáng và tối)
NGÀY 05: MƯỜNG LAY – ĐIỆN BIÊN – HÀ NỘI (BỮA SÁNG, TRƯA)
07h00 Ăn sáng tại khách sạn.
07h30 Xe đưa quý khách đi thăm Nghĩa trang Trung Quốc, ngã ba sông Nậm Na và Sông Đà. Thăm cảnh sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc Thái trắng làm nông nghiệp và đánh bắt thủy sản tại ven sông.
8h30 Làm thủ tục trả phòng khách sạn. Tiếp tục hành trình trở về thành phố Điện Biên Phủ (trên đường quý khách có dịp ngắm cảnh và quan sát một số sắc tộc cư trú ven đường, Có thể dừng chân nghỉ ngơi và giao tiếp với các chị người Mông áo quần sặc sỡ, đầu quấn cụm tóc hoặc đuôi ngựa ngồi bên thềm nhà thêu thùa trông rất đẹp và lạ mắt)
11h00 Đến Thành phố Điện Biên Phủ. Ăn trưa tại nhà hàng địa phương.
Sau đó xe đưa đoàn ra sân bay làm thủ tục chuyến bay trở về Hà Nội kết thúc chuyến tham quan thú vị, đầy ấn tượng.
BÁO GIÁ TOUR TRỌN GÓI: 5,448,000 VNĐ
CHƯƠNG TRÌNH TOUR CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH LINH HOẠT DỰA TRÊN NHU CẦU, THỜI GIAN, NGÂN SÁCH VÀ CÁC YẾU TỐ KHÁCH QUAN KHÁC. VUI LÒNG LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ THIẾT KẾ MỘT CHƯƠNG TRÌNH PHÙ HỢP NHẤT CHO QUÝ KHÁCH!
TỔNG QUAN VỀ TỈNH ĐIỆN BIÊN
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh hiện nay là 9.554.097 km2 với dân số 62.5 vạn người (tính đến 12/2022)
Trên địa bàn tỉnh còn có 19 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, dân tộc H'Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác, như: Khơ Mú, Dao, Kháng, Lào, Hà Nhì...Tập trung chủ yếu tại lòng chảo Điện Biên và các vùng ven lân cận chủ yếu là dân tộc Kinh, Thái, Mông, còn lại các dân tộc khác thuộc nhóm thiếu số sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa trung tâm
Tỉnh Điện Biên có cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng…là tài sản vô cùng quý giá để khai thác phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử, bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn về thiên nhiên như: hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, bia Lê Lợi, thành Bản Phủ…Bên cạnh đó, mỗi dân tộc mang những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hoá truyền thống.
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến bất thường, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 – 230C, chất lượng mưa trung bình từ 1.700 – 2.500 mm, độ ẩm trung bình từ 83 – 85%.
Tình hình an ninh trật tự khá ổn định. Rất hiếm có trường hợp cướp giật, móc túi, trộm cắp, chèn ép mua bán, lừa lọc khách hàng…bạn hoàn toàn yên tâm khi đi dạo bộ vào các buổi tối.
Người dân nơi đây sống đoàn kết, hiền hòa, mộc mạc và hiếu khách. Chắc chắn du khách sẽ mang những ấn tượng tốt khi hơn một lần tới thăm mảnh đất lịch sử, truyền thống, văn hóa của tỉnh Điện Biên.
KINH NGHIỆM TRONG QUÁ TRÌNH THAM QUAN
- Mang giày đi bộ phù hợp vì phải đị bộ leo đồi dốc, mang theo nước uống và thuốc chống côn trùng vì tại các điểm tham quan không bán, hoặc giá sẽ cao.
- Luôn mỉm cười bày tỏ sự thân thiện, kính trọng khi gặp người dân địa phương. Đừng bao giờ xoa đầu trẻ em địa phương (điều này như bạn đã xâm phạm linh hồn của trẻ gây ra ốm đau, rủi ro sau này)
- Bạn nên xin phép trước khi chụp ảnh hoặc vào nhà. Đặc biệt những nhà có tấm tre đan hình tròn mắt cáo, hoặc cắm cành lá xanh trước cổng – tuyệt đối không bước qua. Nếu phạm vào điều này có thể dân bản sẽ yêu cầu bạn “làm lý” để cúng ma theo phong tục địa phương để giải trừ hậu họa.
- Khi đến thăm làng địa phương, không cần tặng quà nhưng sẽ rất gần gũi nếu có một gói kẹo để chia sẻ với trẻ em trong gia đình.
- Nếu có điều gì không biết, chưa rõ cần trao đổi thẳng thắn để gia chủ giải thích thêm. Nếu được mời uống rượu hãy vui vẻ cùng uống hoặc từ chối nếu sức khỏe không cho phép.
- Món ăn do bà con dân tộc nấu chủ yếu là do tự trồng trọt, chăn nuôi khi ăn rất ngon và an toàn. Tuy nhiên, có một số gia vị chêm vào sẽ cay nồng, hoặc có một số món lạ có thể bạn không cần thiết phải ăn thử (Hướng dẫn viên sẽ giải thích thêm điều này.)