22 ĐIỀU ĐẶC BIỆT CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN MÀ ĐẾN CẢ DÂN BẢN ĐỊA CŨNG KHÔNG RÀNH

22 ĐIỀU ĐẶC BIỆT CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN MÀ ĐẾN CẢ DÂN BẢN ĐỊA CŨNG KHÔNG RÀNH
=============================================================================================
01. Việt Nam có các cực “Đông, Tây, Nam, Bắc” thì tỉnh Điện Biên có một trong 4 cực đó. Nơi được mệnh danh “một con gà gáy ba nước cùng nghe tiếng” đó chính là cực Tây – đỉnh mốc A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), mốc giao điểm tiếp giáp biên giới giữa Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

02. Những cung đường đèo luôn ẩn chứa sự nguy hiểm nhưng lại sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. 4 đại đỉnh đèo huyền thoại ở Tây Bắc Việt Nam gọi là “Tứ đại đỉnh đèo”: Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ, Mã Pí Lèng đã trở thành điểm khám phá vô cùng ưa thích của du khách khi đến với miền Tây Bắc xa xôi của Việt Nam (Đèo Pha Đin nằm ở tỉnh Điện Biên, và chia đôi ranh giới với tỉnh Sơn La)

03. Điện Biên là tỉnh gắn với câu ví "Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang" là câu nói ám ảnh với bất kỳ ai đã lên với vùng đất xa xôi heo hút, nơi có cửa khẩu quốc tế Tây Trang trên biên giới Việt – Lào. Nơi đây có những cơn gió nóng khô thổi tung bụi mù vào dịp cuối xuân và chớm hè. Do đó mà phụ nữ chính cống nơi đây có nước da ngăm khỏe khoắn.

04. Tính đến năm 2024, tỉnh Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc có cảng hàng không dân dụng (tỉnh Sơn La có sân bay Nà Sản nhưng chỉ phục vụ cho công tác Quân sự)

05. Là tỉnh đồng thời và duy nhất có chung đường biên giới trên đất liền giáp với cả hai quốc gia Lào và Trung Quốc.

06. Là địa danh có quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", giải phóng cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp.

07. Bức Tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là bức tranh tròn đầu tiên, duy nhất Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh tròn lớn trên thế giới.

08. Việt Nam có hơn 2360 con sông, đa số đều bắt nguồn từ nước ngoài, nhưng riêng ở Điện Biên có 2 sông đầu nguồn từ trong tỉnh: Sông Nậm Rốm chảy sang nước bạn Lào, nhập vào sông Mê Kong xuôi dòng về Việt Nam; Sông Mã chảy qua địa phận tỉnh Sơn La, Thanh Hóa đổ về biển cả. (Ở phía Bắc còn có Sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn cũng bắt nguồn từ Việt Nam chảy sang nước bạn Trung Quốc)

09. Điện Biên có rất nhiều đại gia - cũng là tỉnh đầu tiên có xe “Chuyên cơ mặt đất” lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam đã chính thức lăn bánh trên lộ trình từ Điện Biên về Hà Nội và ngược lại.

10. Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) nổi tiếng về diện tích mênh mông, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, dẻo ngọt, hương thơm và có vị đậm đà.

11. Tỉnh Điện Biên có Thị xã Mường Lay bé nhất toàn quốc - có 2 phường, 1 xã. Tổng dân số 12 nghìn người. Thị xã đã từng có các địa điểm gắn với tên gọi mĩ miều: "Quán gió"; "ngã ba sung sướng"; "đèo đổi gió"; "thị xã trong tầm tiếng gọi"; Nơi đây có Lòng hồ thủy điện Sơn La với phong cảnh đẹp, trữ tình; có hội thi đua thuyền đuôi én, trải nghiệm dù lượn mỗi độ xuân về.

12. Cùng với các đoàn quân năm xưa, chúng ta quay trở lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, với tiếng hò kéo pháo vang khắp núi rừng Tây Bắc trong đêm sương năm 1954. Điện Biên nay cũng là tỉnh duy nhất có "Tượng đài kéo pháo" ghi lại dấu ấn lịch sử chiến công hiển hách của quân và dân ta.

13. Điện Biên là 1 trong 10 tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn. 84,8% dân số của tỉnh là nông dân, sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp.
Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 03/3/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

14. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:
"Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùng”
(do ăn măng và sống kham khổ nên đầu rụng hết tóc và nước da xanh rợt do thiếu chất)
Năm 1947 Trung đoàn 52 Tây Tiến hành quân dọc Sông Mã. Điểm dừng chân cuối là địa phận tỉnh Điện Biển trước khi chuyển hướng sang Lào thực hiện nghĩa vụ Quốc tế.

15. Sông Nậm Na Bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua cửa khẩu Ma Lù Thàng và điểm cuối là nhập vào Sông Đà tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) tạo thành ngã ba sông dòng đục, dòng trong.
Về lịch sử, Sông Nậm Na là huyết mạch giao thông, hàng ngàn thuyền, bè, mảng của dân công địa phương, chở đầy lương thực, thực phẩm, súng đạn vượt thác xuôi dòng tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

16. Quốc lộ 279 là một con đường lịch sử, gắn với cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 của Quân đội và Nhân dân Việt Nam. với chiều dài 944 km, là tuyến đường huyết mạch liên tỉnh nối các tỉnh miền núi phía Bắc. Điểm cuối quốc lộ này là Cửa khẩu quốc tế Tây Trang là một phần của đường xuyên Á AH 13.

17. Tỉnh Điện Biên Bảng xếp hạng kinh tế 63 tỉnh thành Việt Nam. Đứng thứ 60/63 tỉnh thành theo chỉ tiêu đánh giá Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2022 - GRDP thường được sử dụng để đánh giá sức khỏe kinh tế của một địa bàn và so sánh với các khu vực khác. Tự hào đứng trên tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn (chỉ gần cuối bảng thôi)

18. Tỉnh có 4 địa danh hành chính mang tên Điện Biên: Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên.

19. Dân tộc ít người nhất là dân tộc Si La tại tỉnh Điện Biên có 217 người (theo thống kê tháng 4/2019). Dân tộc này có những nét truyền thống riêng, đặc biệt là khi xây dựng gia đình họ phải trải qua 2 lần cưới. Lần thứ nhất là công nhận vợ chồng, cô dâu sẽ được rước vào rừng ở một đêm để nhập họ nhà trai, sáng hôm sau mới về nhà chồng; lần thứ hai cách khoảng 1 năm, chờ đến khi gia đình nhà trai có đủ điều kiện làm lễ cưới, khi đó mới tuyên bố chính thức trở thành vợ chồng. Khi đó cô gái mới được đón về ở hẳn nhà chồng.

20. Tháng 12/1972 trong suốt 12 ngày đêm đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 oanh tạc hủy diệt vào Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc với dã tâm biến miền Bắc Việt Nam thành “thời kỳ đồ đá”, nhưng đã thất bại thảm hại.
Trận chiến này được coi là chiến thắng Điện Biên Phủ thứ 2 của quân dân Việt Nam. Sự kiện này thường được gọi là "12 ngày đêm" và báo chí, truyền thông hay dùng hình tượng "Điện Biên Phủ trên không" để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi chiến lược to lớn của sự kiện đó.
21. Ngôi nhà sàn bằng gỗ lim của Công ty TNHH Thương mại xây dựng số 6 tỉnh Điện Biên vừa được công nhận là nhà sàn lớn nhất Việt Nam. Ngôi nhà rộng gần 500m2 nằm trong khuôn viên 2.000 m2 của Khu du lịch Sinh thái Him Lam.
22. Điện Biên là tỉnh có biên độ nhiệt trung bình chênh lệch ngày và đêm cao nhất cả nước. Ban ngày mùa hè nhiệt độ rất cao nhưng về đêm rất thấp, chênh lệch thấp hơn từ 8-10 độ so với ban ngày. Do vậy thời tiết về sáng là khá mát mẻ, dễ chịu.
 (Đỗ Ngọc Hoan tổng hợp 4/2024)
 

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ