MAI CHÂU NHƯ TÔI THẤY

Một ngày khi đã chán sự  ồn ào nơi phố thị, cùng mấy người bạn thân từ thuở Đại học, chúng tôi hành quân lên Mai Châu - thị trấn nhỏ xinh đẹp, cái nôi của văn hoá Thái, cửa ngõ Tây Bắc Việt Nam.
Nằm cách Hà Nội chỉ khoảng 140km với 3h xe chạy xuôi theo quốc lộ 6 đã được nâng cấp phẳng lì, thị trấn miền sơn cước ngày càng thu hút sự chú ý của du khách bốn phương. Mới đến Hoà Bình, cái không khí miền quê thanh bình với mùi rơm mới, mùi đất, mùi rượu cần đã ngào ngạt quấn quít như níu chân du khách. Dọc hai bên đường đã thấy thấp thoáng những bóng nhà sàn truyền thống của người Mường, người Dao rồi lên cao hơn nữa, xa xa, lấp ló sau những nương ngô xanh ngắt đang mùa trổ cờ là các mái nhà người Hmông nhỏ xinh như những cây nấm rừng. Con sông Đà mùa này hiền hoà chảy êm đềm giữa những khe núi đá vôi hình thù kì thú. Đến đây mới thấy cụ Nguyễn thật tài hoa, mới thấy sông Đà đúng là bao la  hùng vĩ ngàn năm nay vẫn miệt mài mang nước, mang cá tôm nuôi sống biết bao số phận con người.

Sau vài tiếng xe chạy vắt vẻo qua những ruộng mía, những vườn cam Cao Phong sai trĩu cành, bất chợt gặp những bức tường thành đá tự nhiên cao vời vợi. Đèo Thung Khe đây rồi.  Con đèo huyền thoại, con đèo thử thách tài nghệ của các bác tài  già nhiều năm chinh chiến cung đường Tây Bắc đã hiện ra trước mắt. Vách đá cao sừng sững tận lưng trời, rừng nhiệt đới xanh ngăn ngắt, thấp thoáng xa xa những bóng nhà sàn. Thật bõ công vất vả ngồi xe mấy tiếng đồng hồ. Lên đến đỉnh đèo Thung Khe ở độ cao 780m so với mặt bể mới càng thấy thú. Cả nhóm như lạc vào giữa chốn thần tiên. Phóng tầm mắt ra xa, thung lũng Mai Châu đã hiện ra mờ ảo trong làn sương giăng giăng trùng điệp khắp núi rừng. Miền đất với những địa danh nổi tiếng từ thời chống Pháp, nào là Mường Hịch, rồi Pha Luông, Mai Châu, Mường Lát, sông Mã… 
Thị trấn Mai Châu nằm thu mình giữa ngút ngàn núi cao và rừng cây nhiệt đới. Chúng tôi thật bất ngờ với sự đón tiếp thật nồng hậu của cộng đồng người Thái Mai Châu. Họ là con cháu của những cư dân di cư từ Vân Nam cách đây hàng ngàn năm, bám hai bên bờ sông Đà mà bắt con cá con tôm, dựng làng dựng bản, mà trồng lúa nước. 

Homestay Cương ở bản Văn là địa chỉ nơi chúng tôi chọn cho chuyến đi Mai Châu lần này. Bản nằm nép mình dưới chân núi đá, không ồn ào đông đúc như Bản Lác, Pom Coọng hay Chiềng Châu, bản Văn như một bông hoa mà  núi rừng Tây Bắc ban tặng cho con người Mai Châu: nhẹ nhàng, thuần khiết mà say đắm lòng người.

Trong trang phục truyền thống,  các cô gái Thái thật dịu dàng nhưng cũng vô cùng quyến rũ. Và giọng nói, ánh nhìn như cố tình níu chân đoàn lữ khách. Dành vài phút nghỉ ngơi sau chặng đường dài, nhấm nháp li trà thơm ngát, hít thở căng lồng ngực bầu không khí thanh sạch của núi rừng, mọi mệt mỏi  ưu phiền thoáng chốc đã biến mất, nhường chỗ cho sự sảng khoái đang ngấm dần vào từng tế bào của cơ thể. 
 
Bữa trưa nhanh chóng được dọn ra với rất nhiều đặc sản địa phương: bò nướng ống tre, cá hấp lá đu đủ non, bê luộc chấm tương Thái, lợn mọi nướng mắc khén…thôi thì đủ cả hương vị núi rừng. Tất cả làm thoả thuê con mắt, kích thích đến từng cm2 của những cái dạ dày đang réo lên ùng ục. Sau bữa cơm trưa thật ngon miệng, hành trình khám phá một vùng đất mới mà chỉ mới đọc trong thơ Quang Dũng bắt đầu. Những chiếc xe đạp đã được người dẫn đường của chúng tôi chuẩn bị sẵn từ lúc nào. Bánh xe bon nhanh trên những con đường nhỏ tráng bê tông phẳng lì. Đây là bản Nhót, rồi đến bản Lác, Pom Coọng, Chiềng Châu, Nà Tăng, Cha Long, Tòng Đậu. Xa hơn nữa là Cha Lang, Mai Hịch, Bản Bước rồi Bao La... Toàn những cái tên mới nghe qua đã thấy rất Thái rồi.

 
Những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi bằng gỗ, mái lợp lá cọ, kèo cột lên nước bóng loáng nằm san sát bên đường. Mai Châu đang vào vụ gặt. Hương lúa mới len lỏi vào từng ngõ ngách, từng con đường, quyện cả và tà áo của những sơn nữ đang tíu tít gánh lúa về nhà. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo, nhiều khuôn mặt hồng lên vì nắng nóng nhưng những nụ cười thì vẫn nồng nàn sự hiếu khách. Các cô ngừng tay liềm, tham gia nhiệt tình vào những câu chuyện phiếm của chúng tôi, vài cô còn bạo dạn ghẹo cả anh chàng trẻ nhất đoàn, đòi theo anh về xuôi.

Vòng vèo vài cây số đường liên thôn, liên xã, chân chưa thấy mỏi nhưng miệng đã thấy khát, cả đoàn dừng chân thăm một gia đình người Thái thuộc bản Cha Long. Bản nhỏ nằm nép mình dưới chân núi đá. Chủ nhà nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi bên những chén trà xanh thơm ngát. Hỏi ra mới biết dòng họ ông đã ở đây lâu, lâu lắm rồi. Từ đời nào ông chả nhớ, cha mẹ ông bà ông cũng không nhớ. Chỉ biết rằng ông sinh ra và lớn lên ở đây,  Mai Châu đã nuôi ông lớn, Mai Châu cho ông gỗ để làm nhà, ngô lúa để ăn. Con trai con gái trong bản hàng ngày vẫn tắm mình trong nước suối Mùn mát lạnh chảy ra từ lòng núi, những đêm trăng sáng vẫn thổi khèn lá, khèn bè, ném còn mà trao nhau những lời ước hẹn trăm năm. Mải mê trò chuyện đến khi trời chạng vạng chúng tôi mới chia tay ông ra về. Mới giật mình hỏi tên ông, ông cười hiền và bảo chả cần nhớ tên chỉ cần nhớ ông là người Thái Mai Châu là đủ rồi. Thì ra người Thái ai cũng như ông, ai cũng hiền lành và hiếu khách.
 
Về đến bản Văn thì trời vừa tối, cả bản bừng lên dưới anh đèn. Nhiều chàng trai cô gái xập xoè thướt tha trong trang phục truyền thốth, tay nắm tay cùng múa sạp với du khách phương xa. Rượu ngô, rượu sắn uống mềm môi, điệu Xoè Thái đắm say lòng người. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng khèn mê say, cái nắm tay cô gái Thái chặt càng thêm chặt. Chia tay rồi mà lòng còn vấn vương, hình bóng ai theo cả vào trong giấc ngủ.
Thắng Vic tại Mai Châu mùa gặt 6/2020.

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ